Mang đến không khí hào hứng qua thử thách trộn bánh tráng và được Shark tấm tắc khen ngợi về chất lượng sản phẩm, Thúy Hằng bước vào phần kêu gọi đầu tư 2 tỷ cho 10% cổ phần.
Là người con vùng đất Tây Ninh nổi tiếng với đặc sản bánh, Dương Thị Thúy Hằng lớn lên trong bếp lửa luôn sáng của mẹ, tiếng vỉ tre phơi bánh mỗi sáng của ba. Mùi bột, mùi nắng, mùi sương sớm và cả mùi bánh tráng thơm lừng trong ký ức tuổi thơ đã dệt cho chị một giấc mơ đặc biệt mang tên bánh tráng.
Năm 2020, chị Thúy Hằng thành lập thương hiệu bánh tráng My My, chuyên cung cấp các sản phẩm bánh tráng phơi sương, bánh tráng trộn gia vị.
Các sản phẩm của bánh tráng My My được làm thủ công, kết hợp với một số công đoạn có dùng máy móc như cắt bánh, đóng gói bánh…
Để đảm bảo chất lượng thống nhất qua các giai đoạn sản xuất khác nhau, Thúy Hằng sử dụng máy thử độ mặn, hoặc hợp tác với những nhà máy chuyên xuất khẩu để kích cỡ sản phẩm đồng đều. Riêng với dòng sản phẩm thủ công, nữ sáng lập bánh tráng phơi sương My My thừa nhận độ dày mỏng phụ thuộc “chủ yếu là cảm nhận”. Tuy vậy, Thúy Hằng cũng tự hào cho biết bánh tráng phơi sương của mình đã được cấp chứng nhận ISO.
Nói về hiệu quả kinh doanh, nữ sáng lập cho biết doanh số trung bình của bánh tráng My My đạt khoảng 100 triệu mỗi tháng, tính cả năm 2022 đạt 1 – 1,2 tỷ. Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận có thể đạt từ 40 – 50%.
Hiện tại, Thúy Hằng đang chuyển hướng từ bán online (trực tuyến) sang kênh siêu thị bởi mức giá của bánh tráng My My đang cao hơn từ 30 – 40% so với thị trường, khó cạnh tranh về giá trên các sàn thương mại điện tử. Chị cũng tiết lộ, bánh tráng My My đã có mặt tại một hệ thống siêu thị lớn ở TP. HCM được khoảng 4 tháng.
Khâm phục, trân trọng những nỗ lực của Thúy Hằng trong việc phát triển sản phẩm truyền thống quê hương nhưng dưới góc nhìn của nhà đầu tư, bánh tráng My My còn ở giai đoạn “vừa đi vừa dò”, mức doanh thu chưa quá ấn tượng, dự phóng phát triển còn thấp. Vì những lý do đó, các Shark đều từ chối đầu tư cho thương vụ này.