"Tiền không phải tất cả, nhà máy mới là tất cả"", Shark Việt hài hước nhận xét về màn gọi vốn này như vậy.
Tập 3 Shark Tank Việt Nam mùa 4 ghi nhận sự xuất hiện của nhà sáng lập người nước ngoài đầu tiên, anh Robert Thorwath đến từ công ty Lock Cuff. Robert mang đến chương trình sản phẩm khóa chống trộm xe máy, được kết hợp giữa còng tay với một cái khóa. Công dụng của nó là khóa chặt dây phanh và tay ga với nhau, cho dù có cắt dây phanh, xe cũng không chạy được vì không thể vặn tay ga. Ngoài ra, người dùng có thể yên tâm khóa mũ bảo hiểm vào khóa này vì nếu không có chìa sẽ không gỡ mũ ra được.
Robert cho rằng sản phẩm của anh hữu ích hơn 2 loại khóa hiện đang phổ biến trên thị trường Việt Nam hiện nay, đó là khóa đĩa (không áp dụng với xe không có đĩa ở bánh xe) và khóa chữ U (là loại dùng để khóa bánh sau).
"Chiếc khóa này giúp người dùng không bị bẩn tay và chị em phụ nữ không bị bất tiện mỗi khi mặc váy ngắn lại phải cúi xuống mở khóa như các loại khóa khác".
Sản phẩm được đưa ra thị trường vào tháng 3/2021 và đã bán hết 500 chiếc với giá 275.000 đồng/chiếc. Không tiết lộ mức giá sản xuất nhưng CEO cho biết mức giá này thấp hơn nhiều giá bán sản phẩm.
Chia sẻ thêm về quá trình tạo ra khóa Lock Cuff, anh Robert cho biết mình mất tới 4 năm nghiên cứu và hoàn thiện. Ban đầu anh phác thảo ý tưởng trong đầu, sau đó vẽ ra giấy rồi đi in 3D để làm khuôn và mô hình. Anh đã phải đi khắp Hà Nội để tìm kiếm nhà sản xuất khuôn mẫu và cuối cùng, cho ra đời sản phẩm được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam từ những nguyên liệu có sẵn tại Việt Nam.
"Một nhà sản xuất khóa lớn trên thế giới đã tiếp cận tôi nhưng họ ở New Zealand nên tôi nói không. Sản phẩm này sinh ra ở Hà Nội nên nó sẽ ở Hà Nội thôi", Robert trần tình.
"Có một điều mà tôi có thể nói rất tự hào, đó là tôi yêu Việt Nam, Vợ và con tôi đều là người Việt nên tôi sẽ không sản xuất nó ở một quốc gia nào ngoài Việt Nam".
So với các mẫu khóa khác, một điểm cộng của khóa Lock Cuff là thân thiện với môi trường. Quá trình sản xuất không có bất kỳ chất thải nào và các nguyên liệu trong khóa đều có thể tái chế được.
Nhận thấy sự hấp dẫn của sản phẩm mà startup lại chưa đề nghị gọi vốn, Shark Phú đưa ra thế mạnh của mình với nhà xưởng, máy móc, hệ thống bán hàng sẵn có và hỏi Robert: "Anh cần tôi đầu tư bao nhiêu nếu tôi có thể hỗ trợ anh mọi thứ?". Đáp lại, nhà sáng lập cho biết mình chưa từng nghĩ về điều này. Mục tiêu của anh khi đến với Shark Tank là tìm một người có thể hỗ trợ sản xuất. Vì biết Shark Phú đã có sẵn máy móc, anh đề nghị 2 tỷ cho 10% cổ phần.
Tuy nhiên, Shark Phú đề nghị 2 tỷ cho 30% cổ phần và thuyết phục: "Nếu chúng ta hợp tác, anh không cần đầu tư gì cả".
Không chịu đứng ngoài cuộc chơi, Shark Bình cũng "tham chiến" bằng thế mạnh của mình. Shark phân tích cái mà Robert cần lúc này là bán hàng và tiếp thị sao cho hiệu quả nhất, và đó chính là thương mại điện tử.
Shark Bình khẳng định có thể giúp Robert bán hàng trên toàn Việt Nam và cả Đông Nam Á. Do đó, Shark đề nghị đầu tư 100.000 USD cho 0% cổ phần. Đổi lại, Shark Bình sẽ nhận 2 USD phí nhượng quyền trên mỗi sản phẩm bán ra cho đến khi thu được lợi nhuận là 1 triệu USD. Sau mốc này, mỗi sản phẩm bán được Shark sẽ thu 0,5 USD.
Shark Bình còn nhiệt tình tới mức tuyên bố sẵn sàng quẹt thẻ đặt cọc 10% ngay lập tức. "Khi hợp tác cùng nhau, chúng ta sẽ trở thành triệu phú", Shark hứa hẹn.
Ấn tượng với việc Robert để ý chi tiết đến phụ nữ, Shark Liên đề nghị 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần, không có bất kỳ điều kiện hỗ trợ gì về sản xuất, phân phối. Shark Liên thuyết phục rằng tiếng nói, thương hiệu của Shark sẽ giúp khóa chống trộm Lock Cuff được nhiều phụ nữ sử dụng.
Trong khi đó, Shark Việt lựa chọn rút lui vì lo ngại về việc phát triển mô hình kinh doanh, bởi Chính phủ không khuyến khích phát triển xe máy. Shark Hưng cũng từ chối đầu tư vì không có lợi thế hỗ trợ.
Lúc này, Shark Phú nhắn nhủ CEO Lock Cuff: "Hãy chú ý, sau lưng chúng ta có một hệ thống rất lớn từ nhà xưởng tới 2.000 nhân công, máy móc và thiết bị. Tôi có mọi thứ để anh dễ dàng phát triển và bán sản phẩm".
Kết quả là Robert chọn về đội Shark Phú, bỏ qua Shark Liên và Shark Bình và giải thích "Với tôi điều quan trọng nhất vẫn là nhà máy".
Nguồn: CafeBiz (Link bài)