Tổng doanh thu của Wiibike từ tháng 7/2020 tới nay là 2,3 tỷ đồng, lãi gộp 51%, nhưng định giá cho công ty là 150 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech, cho rằng startup hơi bị "ngáo" khi sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền để định giá công ty.
Wiibike, một startup công nghệ trong lĩnh vực giao thông xanh, đã lên sóng Shark Tank Việt Nam mùa 4 để gọi vốn 1,5 tỷ đồng cho 1% cổ phần. Sản phẩm chủ đạo của công ty là chiếc xe đạp trợ lực vừa có thể đạp và có hỗ trợ chạy điện thông qua bộ kit sử dụng pin Lithium được cố định phía yên sau xe.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Đồng sáng lập kiêm CEO CTCP Công nghệ Wiibike Việt Nam, cho biết với một lần sạc đầy, chỉ riêng chạy điện đi được 60 km, còn vừa chạy điện vừa đạp xe sẽ đi được quãng đường 100 km, tái sạc một lần/tuần. Về tốc độ, riêng chạy điện là 25km/h còn đạp kết hợp chạy điện là 40km/h.
Khung xe từ nhiều chất liệu, trong đó có loại khung từ tre. Điểm chú ý của Wiibike là họ cung cấp bộ kit để chuyển đổi từ xe đạp thường thành xe đạp điện nếu khách hàng đã có xe đạp thường tại nhà.
Việc đi xe đạp hiện không được ưa chuộng vì người đạp xe dễ bị nóng, ra mồ hôi, đường xá bụi bặm, giao thông lộn xộn, không có đường đi riêng. Bà Hằng mong muốn giúp người dùng có thể duy trì hoạt động đạp xe thể thao hàng ngày và mục đích lớn hơn là cải thiện cuộc sống và giao thông đô thị bằng giải pháp xanh.
Startup này tham vọng có thể chuyển đổi và phục vụ 2 triệu thiết bị hai bánh trong tổng số 45 triệu xe hai bánh từ nay tới năm 2030, qua góp phần giảm bụi mịn, khí CO2, giao thông thân thiện hơn. Đối tượng khách hàng công ty đang hướng tới là 93% người dân Việt Nam đi xe máy chạy xăng.
Ông Lại Thái Long, chuyên gia phát triển sản phẩm CTCP Công nghệ Wiibike Việt Nam, cho biết bộ kit công nghệ là do công ty tự sản xuất và phù hợp để lắp đặt cho các loại xe, có bộ điều chỉnh kích thước để phù hợp với các bánh xe khác nhau và cần công nghệ để tăng hiệu suất pin.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư Shark Tank đều cho rằng sản phẩm của Wiibike không có gì khác biệt. Công ty đã có sản phẩm thử nghiệm từ năm 2017, giá bán 8,9 – 11,9 triệu đồng, riêng dòng xe điện khung tre được làm thủ công có giá đắt hơn là 33,5 triệu đồng.
Doanh thu từ tháng 7/2020 tới nay là 2,3 tỷ đồng, lãi gộp 51% với 300 chiếc xe được bán ra thị trường. Sản phẩm đang trong quá trình đăng ký bản quyền sáng chế. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech, mức định giá công ty là 150 tỷ đồng là điều không tưởng.
Bà Thu Hằng giải thích, theo cách định giá bằng chiết khấu dòng tiền, từ nay tới 2030, startup sẽ bán 2 triệu xe tương ứng 600 triệu USD doanh thu, lợi nhuận sau thuế là 67 triệu USD. Nhưng, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT Cen Land, cho rằng công ty mới bán được 300 xe và doanh thu 2 tỷ đồng thì chưa có dòng tiền để chiết khấu.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, cũng cho rằng startup sử dụng cách tính chiết khấu dòng tiền như vậy là quá đơn giản.
"Khi công ty làm sản phẩm và có lãi, ngay lập tức sẽ có đối thủ cạnh tranh gia nhập thị trường, như vậy tất cả tính toán trước đó sẽ thay đổi hoàn toàn. Bên cạnh đó, bài toán dòng tiền trong giai đoạn 5 năm đã là quá dài, thậm chí trong một năm đã có rất nhiều thay đổi", Shark Phú nhận định.
Ở khía cạnh định giá doanh nghiệp, shark Bình chia sẻ rằng startup không nên sử dụng công thức chiết khấu dòng tiền quá sớm, phương pháp này chỉ dùng khi công ty đã có dòng tiền ổn định một cách tương đối.
"Đối với startup mới, các số liệu hầu như chưa có, phương pháp này hoàn toàn không phù hợp. Bạn nên định giá cho một đề nghị "biết điều hơn" và nói thật là hơi bị "ngáo" khi sử dụng DCF (phương pháp chiết khấu dòng tiền)", ông Nguyễn Hòa Bình thẳng thắn.
Shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch NextTech cho rằng mức định giá công ty là 150 tỷ đồng là điều không tưởng và đề nghị startup nên định giá cho một đề nghị "biết điều hơn". (Ảnh: Chụp màn hình).
Shark Hưng cho rằng mô hình kinh doanh của startup là không mới, về bằng sáng chế thì rất khó để được công nhận và các con số đưa ra không thuyết phục. Còn xét về phong cách, thời trang thì xe không đẹp, vì vậy, ông Hưng không đầu tư.
Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom Group, cũng đưa ra lý do không đầu tư rằng startup chưa có lịch sử kinh doanh, tuy có ý tưởng và tiềm năng nhưng khả năng chiếm lĩnh thị trường không nhiều.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Nhà sáng lập Ứng dụng bảo hiểm công nghệ Lian, cho biết việc đầu tư vào các dự án về môi trường cũng phải có cơ sở để không phải rơi vào tình trạng "đốt tiền". Việc 300 chiếc xe không nói lên được điều gì và thực tế những người đã yêu thích xe đạp thì sẽ không thích xe đạp điện, vì thế Shark Liên quyết định rút lui.
Trước sự từ chối của ba nhà đầu tư, nhà sáng lập Wiibike tiết lộ công ty chưa từng triển khai chiến dịch quảng cáo nhưng sản phẩm đã thu hút khách hàng. Bà Thu Hằng cho biết đã thuyết phục một Tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản và họ coi xe đạp xanh của startup này là "mũi nhọn" hướng tới thị trường Việt Nam.
Đồng thời, startup cũng tuyên bố nếu không có số tiền 1,5 tỷ đồng từ nhà đầu tư Shark Tank vẫn chắc chắn sẽ làm tới cùng và kiên định với tầm nhìn mà công ty đã định sẵn.
Trước những chia sẻ trên của Wiibike, Shark Phú đồng ý đề nghị 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Shark Bình thì tỏ ra phân vân bởi startup này có mô hình kinh doanh tốt nhưng chỉ thấy duy nhất một điểm vượt trội là bộ kit chuyển đổi từ chiếc xe đạp thường thành xe đạp điện.
Bộ kit chuyển đổi từ xe đạp thường sang xe đạp điện của Wiibike được gắn ở yên sau, theo đánh giá của các shark là điểm nổi bật nhất của startup nhưng chưa thực sự đột phá. (Ảnh: Chụp màn hình Shark Tank TV Hub).
Theo ông Bình, khả năng cạnh tranh của startup trên thị trường là tương đối khó, thay vào đó nên tập trung vào bộ kit chuyển đổi. Tuy nhiên, ông vẫn đề nghị mức đầu tư là 3 tỷ cho 33% cổ phần.
Thấy vậy, shark Phú ngay lập tức đánh đòn tâm lý với nhà sáng lập, cho rằng "không nên chọn tiền mà chọn người". Shark Bình tỏ ra cứng rắn hơn và nói nếu startup cam kết hòa vốn trong năm nay thì trong 33% cổ phần sẽ tách ra 5% thưởng lại cho team, đồng thời đầu tư thêm vào các vòng sau.
Ông Phú quyết định nâng mức ưu đãi cao hơn: Nếu startup cam kết hòa vốn trong năm nay, ông sẽ đầu tư thêm 10 lần đề nghị ban đầu và cam kết đồng hành cùng startup trong chặng đường kế tiếp.
Đứng trước những lời mời chào của hai nhà đầu tư, cuối cùng nhà sáng lập Wiibike đã chấp nhận đề nghị của shark Phú là 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Theo bà Thu Hằng, mặc dù mức giá này không như mong muốn của team nhưng bà không mặc cả vì mong muốn có sự đồng hành.
Bên cạnh đó, bà Hằng cảm thấy doanh nghiệp của shark Phú có cùng lĩnh vực sản xuất và hệ thống phân phối khá tương đồng với Wiibike nên bà quyết định lựa chọn yếu tố con người thay vì tiền bạc.