Dù khẳng định vẫn còn lỗ trong năm nay nhưng với bức tranh tài chính cũng như viễn cảnh mà Reavol vẽ ra, hội đồng đầu tư Shark Tank Việt Nam buộc phải nói không với startup này.
Với niềm đam mê đọc sách nhưng không có quá nhiều thời gian, nhà sáng lập Tống Văn Huy của ứng dụng Reavol đã nghĩ ra giải pháp giúp người đọc có thể giảm 80% thời gian đọc nhưng vẫn hiểu được nội dung của sách thông qua các tóm tắt.
Mục tiêu của anh và người bạn đồng hành Mỹ Nga muốn lan tỏa văn hóa đọc sách đang ngày càng mai một trong cộng đồng, tạo ra một sân chơi cho người sáng tạo nội dung. Đến với Shark Tank, Reavol kêu gọi 23 tỷ đồng cho 20% cổ phần, đáng chú ý ông Huy bày tỏ mong muốn shark cùng tham gia điều hành.
Shark Hưng đặt câu hỏi với 20% cổ phần thì ông sẽ đảm nhận vị trí gì và nhận lương bao nhiêu. Đáp lời, nhà sáng lập Reavol cho biết ông muốn phát triển văn hóa tại các doanh nghiệp, nếu Shark Hưng tham gia điều hành sẽ nhờ ông hỗ trợ khối doanh nghiệp.
Shark Bình thắc mắc về mô hình tìm kiếm lợi nhuận của startup và ông Văn Huy giải thích đây là mô hình B2C và B2B. Sàn thương mại là các nội dung tóm tắt và sân chơi cho tác giả. Những tác giả sẽ đăng tác phẩm lên và đội ngũ biên tập của công ty kiểm duyệt chất lượng trước khi đưa đến người dùng.
Nghe tới đây, Shark Hùng Anh lập tức đặt câu hỏi về bản quyền. Bên cạnh đó, ông cũng tìm hiểu rằng Reavol có sản phẩm sách nói. Shark Hưng cũng yêu cầu phân biệt giữa “tóm tắt sách” và “review sách”. Ông cũng đề cao và chú trọng về vấn đề bản quyền bởi việc dịch thuật hay review sách vì mục đích thương mại chính là “tác phẩm tái sinh”, cần được sự cho phép của tác giả.
Trả lời cá mập, nhà sáng lập Reavol cho biết các sản phẩm ở ứng dụng chính là cảm nhận sâu sắc, nội dung mới hoàn toàn so với việc đọc cuốn sách tóm tắt theo từng chương. Một tác phẩm hoàn toàn có thể có 10 tác giả cảm nhận và hiện tại công ty đang hợp tác với VDCI - đơn vị trung tâm bản quyền thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin chịu trách nhiệm toàn bộ về bản quyền nội dung.
Về doanh thu của công ty, bà Mỹ Nga chia sẻ ứng dụng mới ra mắt được một năm, hoàn toàn chưa quảng cáo và hiện đã có 600.000 người sử dụng, trong đó 1% người trả phí và doanh thu là 500 triệu đồng, đã trừ 15% trả cho Google. Startup đang dự định ra mắt thêm sản phẩm E-book.
Shark Hùng Anh lại cho rằng việc giảm 80% thời gian đọc, chuyển đọc thành nghe phải chăng không còn là “văn hóa đọc” nữa.
Đáp lời, ông Văn Hùng cho rằng đó là một cách để đọc hiểu, ví dụ như khi lái xe có thể nghe. Nhà sáng lập Reavol thuyết phục rằng nếu có 15 phút ngủ trưa, thay vì cầm điện thoại lướt TikTok hay mạng xã hội thì có thể nghe tóm tắt sách. Đó là điều mà ông muốn lan tỏa đến cộng đồng, bởi vì để đọc hết một cuốn sách đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn.
Shark Erik đặt câu hỏi về công nghệ, làm sao có thể chọn được những đoạn văn hay khi tóm tắt một cuốn sách. Ông Huy trả lời rằng việc tóm tắt là của các tác giả, ứng dụng chỉ dùng công nghệ AI cho việc đọc. Bên cạnh đó, vai trò của ban biên tập và các đánh giá chất lượng của sản phẩm cũng rất quan trọng để người sử dụng có thể chọn ra tóm tắt sách hay nhất.
Shark Liên băn khoăn rằng liệu bây giờ startup mới làm thương mại điện tử liệu có quá muộn? Với lo lắng này, ông Văn Huy cho rằng không bao giờ là quá muộn cho việc thực hiện đam mê, ước muốn kể cả khi rất nhiều startup về thương mại điện tử thất bại.
Sau khi xem xét ứng dụng, Shark Hùng Anh có lời khen về sự hoàn thiện và chỉn chu chứng tỏ việc đầu tư nghiêm túc của đội ngũ thực hiện. Tuy vậy ông nhận định rất khó để sinh lời trong giai đoạn này và vẫn chưa nhìn thấy bức tranh tài chính sáng sủa nên Shark Hùng Anh đã quyết định không đầu tư.
Đại diện Reavol chia sẻ tham vọng, trong vòng 12 tháng tính từ tháng 9 năm nay, tới 9/2023 họ sẽ có 2 triệu người sử dụng, 9/2024 là 5 triệu. Với 1,5 triệu người sử dụng, công ty đã hoàn vốn và tỷ suất lợi nhuận giai đoạn sau là 40%. Startup vẽ ra viễn cảnh cho tham vọng IPO.
Theo chia sẻ, mỗi ngày ứng dụng có thêm 1.500 người đăng ký mà không tốn một khoản marketing nào. Bà Mỹ Lan cho biết tới tháng 6/2023, họ sẽ có được 7.000 người trả tiền cho ứng dụng, doanh số lúc đó khoảng hơn 3 tỷ đồng do thực hiện B2B.
Shark Hưng đặt câu hỏi bỏ 23 tỷ đồng cho 20% thì bao lâu sẽ thu hồi vốn, bà Mỹ Nga cho biết mốc thời gian 3-4 năm kể từ khi đầu tư bởi 2025 công ty bắt đầu đại chúng, 2026 niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đại diện Reavol chưa tính tới doanh thu marketing và họ cho rằng đây là một lượng data lớn, đang chưa tận dụng. Về việc bán Ebook, công ty đang chia 50% với nhà xuất bản và họ sẽ tự lo với tác giả.
Tổng doanh thu theo bà Mỹ Nga đưa ra là 2026: 157 tỷ đồng; 2027: 191 tỷ đồng, lợi nhuận cuối năm 2027 là 81 tỷ đồng. Startup khặng định năm nay chắc chắn lỗ.
Bà Mỹ Nga cho biết thêm thông tin, hiện tại cộng EBITDA của 6 năm được 183 tỷ đồng và đại diện Reavol đặt tham vọng tới năm 2026, giá trị của doanh nghiệp tối thiểu khoảng 400 tỷ đồng.
Nghe xong những con số này, Shark Erik thẳng thắn cho rằng định giá của startup "hơi ngáo", ngoài tầm với nên ông từ chối đầu tư. Shark Liên cũng thấy sợ khi startup vẽ ra một bức tranh quá đẹp và bà không muốn mạo hiểm trong thương vụ này. Shark Bình cũng theo dòng, từ chối Reavol.
Shark Hưng rất quan tâm tới lĩnh vực này và nhận định bức tranh rất đẹp, bỏ đi thì thấy tiếc nên đưa ra lời đề nghị: 23 tỷ đồng cho 45% cổ phần.
Ông Văn Huy thương lượng rằng nếu 3 năm sau không đạt được cam kết sẽ trả lại Shark Hưng 23 tỷ đồng kèm lãi như ngân hàng nhưng vị cá mập không đồng ý. Với Shark Hưng, ông hoàn toàn có thể xây dựng một đội ngũ làm việc 3 năm sau vượt xa Reavol. Nhưng, ông đưa ra đề nghị đầu tư 23 tỷ đồng và nhận về lãi ít nhất là gấp đôi trong thời gian đó.
Với con số 45%, bà Mỹ Nga chia sẻ rằng cô không thể đạt được mục tiêu đại chúng vì sẽ phải gọi vốn thêm vì vậy startup đã từ chối lời đề nghị của Shark Hưng và ra về.
Nguồn: Vietnambiz (Link)