Startup tổng đài thông minh giúp hơn 10.000 bác sỹ kết nối chăm sóc bệnh nhân mùa Covid

Xuất hiện cuối cùng trên Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 12 là Giang Thiên Phú – Nhà sáng lập và điều hành của Callio. Đi cùng anh là Võ Ngọc Hân – Nhà đồng sáng lập và CGO (Chief Growth Officer - Giám đốc tăng trưởng) của công ty.

Ngọc Hân cho biết, đa số doanh nghiệp không nắm rõ mỗi ngày một nhân viên telesale gọi bao nhiêu cuộc và dành bao nhiêu thời gian đàm thoại với khách hàng. Theo thống kê, mỗi ngày một nhân viên chỉ dành ra khoảng 60 phút để tương tác giao tiếp với khách hàng tạo ra doanh thu.

Callio là Startup tổng đài thông minh kết hợp CRM, giúp gián tiếp tăng năng suất lao động lên gấp đôi và doanh thu cũng có thể lên gấp đôi. Trước khi áp dụng Callio, trung bình một nhân viên gọi không quá 100 cuộc gọi một ngày. Sau khi áp dụng Callio, con số đó đã vượt trên 200 cuộc gọi một ngày.

Giang Thiên Phú – Nhà sáng lập và điều hành của Callio và Võ Ngọc Hân – Nhà đồng sáng lập và CGO

Callio đã áp dụng thực tế ở một vài doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, tài chính và bán lẻ. Ra mắt từ tháng 7/2020, Callio chỉ mất 6 tháng để có 100 khách hàng đầu tiên. Hiện tại Callio đã và đang phục vụ 650 khách hàng doanh nghiệp với số lượng gần 7.000 người dùng thường xuyên. 

Năm 2021, Callio đạt doanh thu 8,5 tỷ đồng. Tháng 5/2022, doanh thu vượt mốc 1,6 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 400 triệu. Đến thời điểm lên Shark Tank gọi vốn vào trung tuần tháng 6/2022, doanh thu của Callio đã vượt trên 1,6 tỷ đồng.

Ngọc Hân tự tin cho biết, Callio có thể đạt doanh thu 23 tỷ đồng vào năm 2022, lợi nhuận trung bình khoảng 25 – 35%, tương đương 6 – 7 tỷ đồng.

Nói về tiềm năng thị trường, Thiên Phú cho biết, lĩnh vực bất động sản và bảo hiểm có ít nhất 1 triệu lao động tự do. Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động. Anh tự tin với tốc độ phát triển như vậy, nếu như được sự hỗ trợ của các Shark thì trong vòng 5 năm tới, Callio hoàn toàn có thể có 50.000 doanh nghiệp sử dụng và 500.000 tài khoản sử dụng trên hệ thống, doanh thu sẽ đạt khoảng 100 tỷ/tháng, lãi khoảng 35 – 40 tỷ/tháng. 

Với tiềm năng như vậy, anh kêu gọi các Shark đầu tư 600.000 USD cho 10,7% cổ phần, tương đương định giá công ty trước khi đầu tư là 5 triệu USD.

Giới thiệu với các Shark về dịch vụ của mình, Thiên Phú cho biết, số điện thoại khách hàng phải do người dùng tự đưa lên hệ thống. Callio đã ký NDA (Non-disclosure agreement – thỏa thuận bảo mật thông tin) với khách rằng công ty sẽ không lấy số điện thoại của khách. Nhân viên của Callio cũng không thể làm được việc đó vì toàn bộ dữ liệu của khách hàng đã được mã hóa.

“Đây là một ưu điểm của phần mềm vì nhân viên của khách hàng thì cũng không nhìn thấy số điện thoại, chỉ biết là hôm nay tôi gọi cho anh A anh B có số đuôi là 8 là 9 thôi”, Thiên Phú nói.

Các phần mềm tổng đài trên thị trường hiện tại đa phần sử dụng open source (nguồn mở) hoặc mua giải pháp nước ngoài về và không làm chủ được công nghệ.

Nhà sáng lập của Callio tiếp tục cho biết, phần mềm của mình là công cụ chống spam bởi không cho phép người dùng gọi tới số điện thoại đã đăng ký không nhận quảng cáo.

Các phần mềm trên thị trường hiện nay có quá nhiều tính năng, công cụ quản lý phức tạp để dành cho người dùng cuối là “ông sếp”. Trong khi đó, Callio hướng đến người dùng là nhân viên nên ưu điểm là UI/UX (giao diện/trải nghiệm người dùng) được tối ưu rất tốt cho người dùng hàng ngày. 

Sản phẩm của anh ít tính năng nhưng tính năng nào cũng làm rất tinh và dễ dùng. Thiên Phú cũng tiết lộ, năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP. HCM, Callio đã cung cấp nền tảng cho 10.000 y bác sĩ khắp cả nước gọi điện hỗ trợ sức khỏe và thăm khám sức khỏe hàng ngày của 500.000 bệnh nhân tại Việt Nam. Các bác sĩ không phải những người thành thạo sử dụng các phần mềm như CRM. Thế nhưng Callio rất dễ sử dụng cho nên các bác sĩ dùng được hết. 

Các phần mềm tổng đài trên thị trường hiện tại đa phần sử dụng open source (nguồn mở) hoặc mua giải pháp nước ngoài về và không làm chủ được công nghệ. 

Thiên Phú nêu quan điểm: “Câu chuyện của VoIP (công nghệ chuyển đổi giọng nói thành tín hiệu kỹ thuật số để truyền qua các gói dữ liệu kỹ thuật số) là một câu chuyện về tối ưu. Phải tối ưu rất kỹ, tối ưu hàng ngày. Các phần mềm tổng đài nói chung nếu như gọi điện trên mạng wifi mà cách một bức tường hoặc gọi điện trên mạng 3G, 4G là sẽ bị rơi vào tình trạng rè, giật”.

Không đồng tình với nhận định này, Shark Hùng Anh cho rằng đó là ý kiến chủ quan của Startup. Có nhiều API (phương thức trung gian kết nối các ứng dụng và thư viện khác nhau) có thể kết nối vào hệ thống lõi của doanh nghiệp, hệ thống quản lý doanh nghiệp. Còn sản phẩm của Startup rất đơn giản.

Đáp lời, Ngọc Hân cho biết Startup của mình không tạo ra một sản phẩm tổng quan mạnh mẽ mà chỉ tập trung tối ưu để mạnh nhất so với những hãng khác.

Callio có API open (công nghệ cho phép bên thứ 3 truy cập vào dữ liệu mở) để tích hợp vào tất cả các hệ thống khác như Haravan, Boxme...

Shark Bình đặt vấn đề rằng nhiều hãng viễn thông cũng đang lập ra các công ty con, các trung tâm để đưa sản phẩm dịch vụ như thế này ra toàn quốc qua mạng lưới bán hàng rộng khắp. Vậy điều gì là rào cản gia nhập của Callio.

Ngọc Hân chia sẻ, điểm khác biệt của Callio là tập trung vào người dùng là chủ yếu, khác với doanh nghiệp khác là tập trung vào các tập đoàn lớn. Callio hiện đang tập trung theo từng ngành hàng để thấu hiểu rõ lĩnh vực đó họ sử dụng telesale như thế nào.

Hiện tại doanh thu của Callio 52% đến từ môi giới bất động sản, 19% đến từ các đại lý bảo hiểm. Về số lượng người dùng, lĩnh vực bảo hiểm có tỷ lệ retension (giữ khách hàng lại) cao hơn bất động sản, khoảng trên 65% - 80%.

Nói về ưu điểm của dịch vụ dành cho nhân viên bảo hiểm, Ngọc Hân cho biết thông thường một nhân viên phải sử dụng tối thiểu 2 điện thoại vì cần dùng 3 sim. Khi gọi cho khách hàng ở nhà mạng nào, nhân viên phải sử dụng sim của nhà mạng đó với cước phí cuộc gọi là 550Đ/phút. Tuy nhiên hiện nay khách hàng lại có thể chuyển mạng nhưng vẫn giữ số nên nhân viên sẽ không thể tìm ra được khách đang dùng sim của nhà mạng nào. Nếu gọi ngoại mạng, cước phí sẽ là 1.100Đ/phút. Hệ thống của Callio có thể tự động tìm được nhà mạng của khách để chọn đúng số phù hợp, tiết kiệm cước điện thoại.

Nhân viên telesale dùng ứng dụng của Callio để gọi đến số điện thoại của khách và sẽ phải trả tiền qua ứng dụng. Nhà mạng sẽ căn cứ vào đó để trả hoa hồng cho Callio.

Callio hiện tại có bán dịch vụ theo các gói. Nếu người dùng đã có hệ thống, chỉ cần nghe, gọi thì mức phí là 50.000Đ/người/tháng. Nếu muốn gọi liên tục cho một danh sách nhiều khách hàng mà không mất công bấm số, đợi 10 giây đổ chuông thì hệ thống sẽ quay số tự động, nhân viên telesale chỉ cần nói chuyện với khách. Gói dịch vụ này có giá 200.000Đ/người/tháng. Nếu tích hợp với mạng xã hội như Zalo OA, Facebook Fanpage để chat với khách hàng từ một nền tảng giao diện của Callio thì phí là 300.000Đ/tháng.

Trả lời câu hỏi của Shark Bình về nguồn thu tiềm năng khác trong tương lai, Thiên Phú cho biết, khi nhiều nhân viên kinh doanh và lao động tự do bán hàng trên thị trường sử dụng Callio, trong tương lai Startup có thể khai thác mạng lưới bán hàng đấy bán sản phẩm cho các doanh nghiệp khác.

Shark Liên là người đầu tiên quyết định. Bà từ chối ra deal vì đã đầu tư vào một tổng đài gần giống Callio.

Shark Hưng đánh giá ứng dụng của Callio hay ho nhất là việc chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên dưới góc độ đầu tư thì độ bền vững, khả năng sống sót lâu dài của Startup là có quá nhiều thứ có thể thay thế và môi trường kinh doanh cũng có thể thay đổi. 

Ông cho rằng kể cả Startup có đạt mục tiêu 2022 thì mới chỉ có 6 tỷ lợi nhuận. Vì thế định giá doanh nghiệp 5 triệu USD là con số quá xa so với hiệu quả hiện nay của Startup. Dựa vào hiệu quả hiện tại của Callio, Shark Hưng đề nghị đầu tư 600.000 USD cho 30% với giá trị doanh nghiệp là khoảng 1,3 triệu USD.

Thiên Phú cho biết, phần mềm SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) lãi rất cao. Phần subscription (thuê bao) trả hàng háng của Callio lãi đến 95%.

“Lãi rất cao. Vì vậy tôi mới nói là thời gian thu hồi vốn phải nhanh”, Shark Hưng nói.

Về phía Shark Hùng Anh, ông công nhận giao diện của Callio thân thiện so với những hệ thống CRM khác. Tuy nhiên Startup đang định giá doanh nghiệp cao nên ông từ chối đầu tư. 

Tiếp đó, Shark Erik cũng từ chối đầu tư.

Shark Bình tiết lộ, ông có góp vốn vào một quỹ đầu tư và quỹ đó đã đầu tư cho Callio. Để đảm bảo tính khách quan, ông quyết định không đầu tư.

Đàm phán với Shark Hưng, Ngọc Hân chia sẻ, giá trị đầu tư và định giá công ty của anh dựa trên định giá một công ty SaaS và dùng doanh thu cuối cùng để dự báo doanh thu năm. Thông thường công thức là từ 5 – 7 lần một công ty bình thường. 

Ngoài ra, Callio đã gọi gốn 2 vòng. Vòng đầu tiên là đầu tư thiên thần của 3 cá nhân. Vòng pre-seed là của một quỹ đầu tư. Do đó Startup phải đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư đó. 

Startup cũng cho biết, vòng gọi vốn gần đây nhất, định giá doanh nghiệp của Callio là khoảng 3,5 triệu USD vào cuối năm 2021.

Nghe đến đây, Shark Hưng đưa ra con số cuối cùng là 600.000 USD cho 23,07% nhưng Startup từ chối. 

Nguồn: Danviet (Link)

Email xác nhận đã được gửi. Nếu không thấy, xin vui lòng kiểm tra thư mục spam của bạn, cảm ơn.

Upload thành công!