COVID-19 bùng phát, khó khăn bủa vây các doanh nghiệp, song nhờ sự đồng hành của các nhà đầu tư với dòng vốn bổ sung và kinh nghiệm quản trị đến đúng lúc, các startup đã vượt qua giai đoạn khó khăn.
Mở màn trước “bể cá mập” trong mùa 5, Lê Lưu Dũng là nhà sáng lập và điều hành Công ty Jungle Boss nắm trong tay 8 sản phẩm du lịch mạo hiểm đã thuyết phục được shark Hưng mở “hầu bao” 12 tỷ đồng cho 25% cổ phần, đưa Jungle Boss trở thành thương vụ thành công đầu tiên của mùa Shark Tank năm nay.
Dàn 'cá mập' tại Shark Tank mùa 5
“Cá mập” thách đấu lẫn nhau
Khác với 4 mùa trước, Shark Tank Việt Nam mùa 5 áp dụng hai luật chơi mới là Golden Ticket (vé vàng) và Duel Pitch (song đấu). Cụ thể, các shark sẽ sử dụng Vé vàng khi muốn chiêu mộ startup và loại các shark khác để giành quyền ưu tiên đàm phán. Golden Ticket có giá trị khởi điểm là 100 triệu đồng, các shark có quyền tăng giá trị mỗi lần trả giá (mức tối thiểu là 10 triệu đồng và không giới hạn khoản tăng tối đa). Điểm thú vị là các khoản tiền các shark trả cho Golden Ticket sẽ thuộc về startup, kể cả trong trường hợp thương thuyết hoặc thẩm định sau cam kết trên sóng không thành công.
Bên cạnh đó, luật Duel Pitch là phần song đấu dành cho 2 sản phẩm có cùng lĩnh vực tham gia gọi vốn. Sau màn thuyết trình, chỉ có một startup được tiếp tục đi vào vòng gọi vốn và một startup phải ra về với đặc quyền trở lại Shark Tank vào mùa tiếp theo.
Trong phần mở màn năm nay, shark Hưng phải chi 400 triệu đồng đấu giá Vé vàng với shark Hùng Anh để giành quyền ưu tiên đàm phán với Jungle Boss.
Jungle Boss cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm, khám phá hang động, tại Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Nhà sáng lập đến chương trình để kêu gọi 12 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty và bày tỏ mong muốn đồng hành cùng các shark để mang con người đến gần hơn với thiên nhiên và vượt qua giới hạn của bản thân mình.
Hiện Jungle Boss khai thác 8 sản phẩm du lịch mạo hiểm với nhiều cấp độ, dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Trong số đó, sản phẩm du lịch khám phá hố sụt Kong Collapse với trải nghiệm đu dây 100m thẳng đứng ở trong lòng hang động là tour du lịch chiếm số lượng khách và nguồn doanh thu lớn nhất của Jungle Boss tại thời điểm hiện tại. Sản phẩm này đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình thẩm định và cấp phép để làm độc quyền sau khi nhận được đề án khai thác từ Jungle Boss.
Quá trình kinh doanh từ năm 2016 đến nay, Jungle Boss đã đón khoảng hơn 40.000 lượt khách với kênh bán hàng online chiếm 90%. Trước đại dịch, số lượng khách nước ngoài chiếm 90%, khách Việt Nam chiếm 10%, tuy nhiên sau đại dịch thì con số đảo chiều và khách trong nước đang chiếm đến 90%.
Startup “chơi lớn”
Trình làng mùa “cá mập” năm nay, nhóm startup có tên gọi EM & AI do Lê Ngọc Trí - đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành đã mang đến giải pháp Voicebot AI (tự động gọi điện chăm sóc khách hàng với giọng trí tuệ nhân tạo) cung cấp ra toàn cầu với đề nghị 1 triệu USD cho 5% cổ phần.
Để thuyết phục shark Liên đầu tư 1 triệu USD, startup này đã cam kết đến cuối tháng 3/2023 nếu Voicebot AI không đạt được điểm hòa vốn, giám đốc điều hành sẽ phải bỏ tiền túi ra trả lại “cá mập” tương đương 2% cổ phần của mình.
Trong quá trình đàm phán, shark Liên đề nghị đầu tư 1 triệu USD để đổi lấy 35% cổ phần của startup và khi tái tục được khách hàng, trừ tất cả các chi phí, còn lại tiếp tục cùng sở hữu. Tuy nhiên, Ngọc Trí kiên trì với đề xuất ban đầu (1 triệu USD cho 5% cổ phần) nhưng anh đề nghị quỹ ứng trước 100.000 USD và sau 2 tháng thẩm định KPI, nếu không đạt sẽ hoàn lại toàn bộ tiền cho shark và cuối cùng đã nhận được sự chấp nhập của shark Liên.
Ngọc Trí cho biết dự kiến cuối tháng Sáu, EM & AI sẽ chốt một thương vụ khoảng 5 triệu USD cho 25% cổ phần từ một công ty chuyên về công nghệ đã sử dụng giải pháp của công ty. Anh cho rằng các shark khi đầu tư vào startup sợ nhất là mất vốn, thứ hai là sản phẩm dễ sao chép, do đó doanh nghiệp đã chú trọng khắc phục được hai điểm này. Ngoài ra, Ngọc Trí cho biết hiện tại Cen Land cũng đang là đối tác của mình.
Tại chương trình, shark Hưng cho biết tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác giữa hai bên đồng thời shark sẽ kiểm tra lại hiệu quả triển khai trong doanh nghiệp, nghiên cứu để giúp startup có thêm thị trường cũng như khách hàng mới. Tuy nhiên trong khuôn khổ Shark Tank Việt Nam, ông Hưng không đầu tư cho startup này.
Trong khuôn khổ chương trình, startup Hana Ngô là nhà sáng lập và điều hành Công ty HanaGold - “vàng 4.0” với đề nghị đầu tư 200.000 USD cho 10% cổ phần, song đã không thuyết phục được “đàn cá mập” và chấp nhận “tay trắng” ra về.
HanaGold là chuỗi tiệm kim hoàn ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và kinh doanh, theo đó khách hàng có thể mua vàng tích lũy online (trực tuyến) chỉ từ 100.000 VND và nhận vàng offline (trực tiếp) tại cửa hàng HanaGold hoặc chuỗi cửa hàng nhượng quyền trên toàn quốc. Bên cạnh đó, HanaGold còn xây dựng mô hình tiệm kim hoàn 4.0 với số vốn đầu tư là 500 triệu đồng, công ty này cũng đã có 100 mẫu sản phẩm vàng trang sức đã được đăng ký bản quyền.
Lê Lưu Dũng là nhà sáng lập và điều hành Công ty Jungle Boss thuyết trình gọi vốn
Là người đầu tiên chốt thương vụ, shark Liên cho rằng mô hình kinh doanh của startup này có độ rủi ro rất cao và cho biết không đầu tư. Đồng quan điểm này, shark Hùng Anh cũng từ chối đầu tư và khuyên startup nên xem lại mô hình của mình.
Bên cạnh đó, shark Hưng đưa ra những phân tích việc giá vàng lên xuống sẽ ảnh hưởng quyết định của startup tại thời điểm bàn giao vàng cho khách (vì khi đó có thể mất cân đối với dòng tiền đã thu). Hơn nữa, cách thức nhượng quyền các tiệm vàng lại thêm một rủi ro trung gian khác khi startup giao vàng cho cửa hàng nhượng quyền rồi từ đó mới giao cho khách, trong khi tiền thì startup đã thu. Chính vì vậy, shark Hưng cũng từ chối đầu tư.
Mặt khác, shark Bình cũng cho rằng mô hình nhượng quyền mà startup đưa ra là không khả thi và nhấn mạnh công nghệ không phải là "cây đũa thần" và vẫn có những ngành kinh doanh không thay đổi được. Do đó, ông Bình quyết định không đầu tư cho startup.
Đánh giá mô hình kinh doanh của startup này khó thành công, shark Phú cũng quyết định không đầu tư cho HanaGold.
Cơ hội bứt phá mạnh mẽ
Theo ban tổ chức chương trình, sau kết thúc phát sóng Shark Tank mùa 4, hoạt động của các doanh nghiệp bị chao đảo bởi làn sóng dịch COVID-19 đợt thứ 4 bùng phát. Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp, song sự đồng hành của các nhà đầu tư với dòng vốn bổ sung cùng kinh nghiệm quản trị đến đúng lúc đã giúp các startup này vượt qua giai đoạn khắc nghiệt này.
Trước đó, Shark Tank Việt Nam mùa 4 đã ghi nhận 5 startup thẩm định thành công và được giải ngân, bao gồm Công ty Coolmate, Vua Cua, Anhome, BluSaigon và Cello Fundamento. Trong số đó, Vua Cua là startup được giải ngân ngay thời điểm tâm dịch và đã được rót vốn vòng thứ 2 từ shark Đỗ Liên.
Bạn Anh Thư, nhà sáng lập và điều hành Vua Cua, chia sẻ doanh số của công ty đã tăng trưởng gấp 3 lần, lượng truy cập wesite tăng tới 300% và được rất nhiều quỹ đầu tư trong, ngoài nước tìm hiểu để rót vốn đầu tư.
Với Coolmate, nhà sáng lập và điều hành Phạm Chí Nhu cũng cho biết sau Shark Tank mùa 4, công ty đã nhận được 500.000 USD từ shark Bình. Điều này đã giúp cho Coolmate tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021 với doanh số tăng lên 3 lần.
“Hiệu ứng truyền thông và marketing mà Shark Tank mang lại đã giúp website của Coolmate vượt hơn 1 triệu lượt truy cập hàng tháng. Nhờ đó, số lượng đơn hàng xử lý cũng tăng trưởng 20% hàng kỳ, trong đó có những ngày cao điểm xử lý tới 10.000 đơn hàng,” nhà sáng lập và điều hành Phạm Chí Nhu cho hay.
Đặc biệt, BluSaigon ghi nhận doanh số tăng trưởng 13 lần và lượng truy cập website tăng 40 lần, điều này đã giúp cho nhận diện thương hiệu công ty tăng rất mạnh.
"Khi đến với Shark Tank, các nhà sáng lập không còn một mình," nhà sáng lập Tôn Nữ Xuân Quyên của BluSaigon bày tỏ./.
Nguồn: Vietnamplus (Link)