Shark Phú: 'Tôi có thể mất tiền nhưng không thể mất uy tín, danh dự'

Shark Nguyễn Xuân Phú cho biết khi cam kết rót vốn trên truyền hình, nếu không thực hiện sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhà đầu tư. Vì vậy, ông sẽ thận trọng hơn với các quyết định của mình nếu tiếp tục tham gia Shark Tank những mùa tới.

Sau 2 mùa tham gia chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ), ông Nguyễn Xuân Phú - là nhà đầu tư cam kết rót vốn nhiều nhất trên sóng truyền hình với 28,8 tỷ đồng trong mùa đầu tiên và hơn 37 tỷ đồng trong mùa thứ 2. Shark Phú cho biết tham gia chương trình này ông nhận được nhiều điều nhưng cũng phải trả giá cho những quyết định chưa đúng của mình.

- Trong một bài phỏng vấn gần đây, ông chia sẻ rằng “đầu tư Shark Tank không được vụ nào”, vậy ông có tiếp tục ngồi “ghế nóng” Thương vụ bạc tỷ mùa 3 không?

- Theo tôi khi đầu tư vào startup tỷ lệ thành công rất thấp. Ngay cả trên thế giới, tỷ lệ thành công cũng chỉ khoảng 5%. Việc đầu tư vào 5 hay 7 startup và gặp thất bại cũng là chuyện bình thường. Đầu tư 100 thương vụ nhưng chỉ cần 1-2 thương vụ tốt đã là thành công. Vì vậy, có thể tôi sẽ vẫn tham gia Shark Tank Việt Nam mùa 3.

- Sau 2 mùa đồng hành cùng Shark Tank Việt Nam, ông nhận thấy đâu là điểm yếu nhất của các startup Việt?

- Tôi thấy rằng nhiều startup Việt Nam đang khởi nghiệp theo phong trào, chưa có sự chuẩn bị và ý chí quyết tâm để thực hiện mục tiêu của mình, mọi thứ còn rất mơ hồ. Bản thân tôi có tham gia một chương trình khởi nghiệp của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tôi cam kết đầu tư vào một số startup đạt giải nhưng chỉ khi ý tưởng được triển khai. Sau đó tôi không thấy các startup liên lạc nữa.

Một số startup chỉ mang dự án đi thi hoặc mong muốn gọi được vốn rồi tiêu hết tiền mà không có trách nhiệm với nhà đầu tư. Tình trạng phổ biến của các startup là trong đầu có rất nhiều ý tưởng và khát khao, nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại không quyết tâm. Tất nhiên, giai đoạn đầu khởi nghiệp sẽ rất vất vả và nhiều rủi ro, các startup phải nỗ lực vượt qua. Nhưng có những startup khi đến giai đoạn khó khăn, tiêu gần hết tiền lại buông xuôi.

- Vậy còn điểm mạnh của startup Việt là gì?

- Theo tôi, điểm mạnh của startup cũng là điểm mạnh chung của người Việt, đó là sự nhanh nhạy và thông minh.

- Trong năm đầu tiên làm “cá mập”, ông là người cam kết đầu tư nhiều nhất, nhưng sang đến mùa 2 ông lại thận trọng hơn rất nhiều khi quyết định rót vốn. Điều đó có nghĩa tiêu chí lựa chọn startup của ông ngày càng khắt khe hơn?

- Khi bắt đầu tham gia Shark Tank, bản thân tôi chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư vào startup. Tôi nghĩ rằng tất cả những điều startup nói là sự thật và bản thân tôi khi nghe họ thuyết trình cũng thấy ý tưởng rất tốt. Tuy nhiên khi thẩm định thực tế mới thấy nhiều thông tin sai lệch, không trung thực.

Tính của tôi là khi đã cam kết thì phải thực hiện lời hứa. Vì vậy, mùa sau tôi có thận trọng hơn trước những thông tin mà các startup trình bày. Khi đã cam kết trên truyền hình nếu không thực hiện sẽ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của nhà đầu tư. Tôi có thể mất tiền nhưng không thể mất uy tín, danh dự. Do đó, nếu còn tham dự những mùa tiếp theo, tôi sẽ thận trọng hơn trước những quyết định đầu tư của mình.

- Điều gì sẽ giúp một startup “lọt vào mắt xanh” của ông?

- Sự trung thực, tính khả thi của dự án và sự quyết liệt, khả năng chịu áp lực của các startup là những yếu tố quan trọng khi tôi quyết định đầu tư vào một công ty.

- Câu nói quen thuộc của Shark Phú trên truyền hình là “Nếu thất bại, em làm thế nào để hoàn vốn cho anh”. Tại sao ông thường đặt câu hỏi này cho các startup?

-Tôi đã lường trước các rủi ro, nếu thất bại chắc chắn các startup sẽ buông xuôi. Nhưng tôi hy vọng, nếu thất bại, họ có thể về làm việc cùng tôi, tôi sẽ hỗ trợ và đồng hành cùng họ để tiếp tục đầu tư vào dự án và khởi nghiệp lại từ đầu. Với tâm thế mới cùng những kinh nghiệm đã trải qua, tôi nghĩ rằng khả năng thành công của họ sẽ cao hơn.

- Sau 2 mùa tham gia Shark Tank, ông thấy mình được và mất gì?

- Khi làm nhà đầu tư tại Shark Tank, tôi vừa được vừa mất, tất nhiên cái được lớn hơn cái mất nên tôi mới tiếp tục tham gia. Đây là một chương trình mới, hấp dẫn và thu hút nhiều người xem, khi mọi người biết đến tôi, mọi người cũng sẽ biết đến thương hiệu Sunhouse. Bên cạnh đó, tôi cũng được giao lưu, gặp gỡ với các startup và nhà đầu tư, học hỏi nhiều điều mới và trải nghiệm những thất bại. Tất nhiên, tôi cũng mất tiền để trả giá cho những quyết định chưa đúng của mình.

- Tại Việt Nam, ngoài VNG, đến nay vẫn chưa có một startup nào được công nhận là kỳ lân (có giá trị từ 1 tỷ USD) trong khi một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia có đến 4 “unicorn”. Theo ông, đâu là lý do Việt Nam thiếu startup kỳ lân?

- Startup kỳ lân (unicorn) đa phần thuộc lĩnh vực công nghệ vì đây là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Công nghệ phát triển lại thường liên quan đến quy mô dân số. Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia có lượng người dùng đủ lớn để phát triển các ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, đây chỉ là một yếu tố nhỏ, điều quan trọng là Việt Nam vẫn thiếu những startup có tham vọng và sự quyết liệt, nỗ lực đủ lớn để thành kỳ lân.

- Cảm ơn ông!

Theo báo NDH

-----------------------------------------

Ai sẽ là gương mặt tiếp theo chinh phục Shark Tank mùa 3?

Cập nhật những thông tin mới nhất cũng như xem lại các thương vụ đầu tư trong Shark Tank Việt Nam tại:

#sharktankvietnam #thuongvubacty #mua3

Fanpage: Shark Tank Việt Nam

Youtube: Shark Tank Việt Nam

Email xác nhận đã được gửi. Nếu không thấy, xin vui lòng kiểm tra thư mục spam của bạn, cảm ơn.

Upload thành công!