Bấm nút thi Shark Tank Việt Nam khi mới sinh bé Soup được 3 tháng, Đỗ Phan Hoàng Sương mang cả 2 con lên gọi vốn cho startup thực phẩm hữu cơ Dalat Foodie. Màn thuyết trình không chiếm được lòng tin của Shark Liên, còn bị Shark Hưng phê phán lạm dụng "blockchain", đồng thời mượn lời Shark Phú chất vấn: Nếu bạn thất bại, bạn sẽ làm gì hoàn vốn lại cho nhà đầu tư? Thương vụ khép lại đầy nhân văn với cái gật đầu của Shark Việt vì Sương có "thái độ nghiêm túc" khi gây dựng startup…
Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam tập 12, Đỗ Phan Hoàng Sương có màn ra mắt khá thiện cảm khi mang cả 2 con lên gọi vốn 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần Công ty TNHH Dalat Foodie Việt Nam.
Dalat Foodie kinh doanh thực phẩm hữu cơ theo mô hình Farm to Table (từ nông trại tới bàn ăn). Bên cạnh việc hợp tác với các kỹ sư tại các vùng nguyên liệu ở Đức Trọng, Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), Đồng Nai, Cần Thơ, startup này cũng mở cửa hàng tại Gò Vấp, đồng thời bán thực phẩm chế biến sẵn trên các nền tảng Grabfood, Vietnammm…
Theo Sương, Dalat Foodie nhắm tới việc giải quyết "từng nỗi đau của khách hàng". Ví như người phụ nữ muốn mua thực phẩm về tự chế biến thì cửa hàng sẽ bán rau tươi hoặc bán theo combo kèm thực đơn và gợi ý nấu nướng. Bên cạnh đó, Dalat Foodie cũng có đồ sơ chế và thực phẩm chế biến sẵn phục vụ cho từng đối tượng với mức độ bận rộn khác nhau.
Khi Shark Linh hỏi vì sao lựa chọn mở cửa hàng ở Gò Vấp mà không mở showroom ở TPHCM, Sương cho biết đó chính là lý do cô lên Shark Tank gọi vốn lần này.
Khởi sự kinh doanh từ năm 2015, Dalat Foodie chấp nhận lỗ đến năm 2018 để mở rộng công ty. Từ năm 2019, công ty mới có lãi. Tính đến 31/3/2019, Dalat Foodie đạt doanh thu 10,5 tỷ đồng, phục vụ hơn 15.000 khách hàng với lợi nhuận 0,46 tỷ đồng. Giá trị đơn hàng trung bình ở mức 290.000 đồng/đơn.
Vốn điều lệ của công ty là 2 tỷ đồng, thực góp mới ở mức 550 triệu đồng, có 2 cổ đông là Sương và chồng cô - người phụ trách kỹ thuật.
Lên Shark Tank lần này, Sương muốn gọi 5 tỷ đồng nhằm marketing và educate chuỗi cung ứng, tập trung mở rộng nhà xưởng và showroom, đầu tư vào công nghệ quản lý và bổ sung vào vốn lưu động.
Bình luận trên fanpage Shark Tank Việt Nam, Sương cho biết sau khi sinh bé Soup được 3 tháng đã bấm nút xin thi Shark Tank. Bệnh phổi của con và chuỗi ngày đồng hành cùng bé trong bệnh viện thúc đẩy Sương tập trung vào mảng kinh doanh của mình nhiều hơn với mục tiêu giúp các em bé khỏe từ trong thai kỳ cho đến khi trưởng thành.
Sau khi nghe Sương thuyết trình, Shark Hưng bày tỏ tiếc nuối khi mùa Shark Tank này thiếu vắng Shark Phú, ông mượn lời Shark Phú chất vấn lại Founder: "Nếu giờ em thất bại, mất tiền của anh thì em làm gì?"
"Mỗi người đều có một ước mơ. Nếu các Shark ở đây có ước mơ bao trùm cả ước mơ của em, em sẵn sàng làm việc cho các Shark. Bởi vì mọi người nghĩ là hữu cơ khó nên ít người làm. Bản thân mình phải tìm cách nào đơn giản nhất để mọi người làm được điều đó, chứ không phải mình nghĩ "Ôi khó quá tôi không làm"", Sương rắn rỏi trả lời.
Ngay sau câu trả lời tưởng chừng sẽ đi vào lòng người ấy, Shark Liên quyết định không đầu tư.
"Ý tưởng của bạn nghe xong rất vui, câu chuyện bạn kể rất hay, nhưng không thuyết phục. Tôi không đầu tư vì tôi không có niềm tin vào bạn", Shark Liên nói.
"Đừng dùng những từ đao to búa lớn như blockchain" - Shark Hưng
Chia sẻ về công nghệ ứng dụng, Sương cho biết Dalat Foodie đang test công nghệ blockchain giúp truy xuất được nguồn gốc từ hạt mầm đến sản phẩm.
Thuật ngữ này có vẻ khiến các Shark mất đi nhiều cảm tình khi một loạt startup trước đó liên tục "khoe" về AI, Big Data, Blockchain… trong khi sản phẩm chưa đi tới đâu.
Với Dalat Foodie, Shark Hưng cũng dùng điện thoại quét thử, tuy nhiên ứng dụng scan QR Code không nhận diện.
Cofounder tên Quốc, đồng thời là chồng Sương, phụ trách kỹ thuật đã vào hỗ trợ Shark Hưng. Tuy nhiên, Quốc phải dùng điện thoại của anh mới scan được mã QR Code trên sản phẩm, và dòng thông tin hiện ra cũng chỉ truy xuất được sản phẩm từ thời điểm đóng chai đến quy trình vận chuyển - mức độ truy xuất chỉ tương tự như các đơn vị giao hàng.
"Chúng ta có lẽ không nên nói về câu chuyện thực phẩm hữu cơ như một giá trị cốt lõi ở đây, vì ít nhất anh không tin. Tâm em là có, nhưng làm thực phẩm hữu cơ là câu chuyện rất phức tạp", Shark Hưng nói.
Ông cũng góp ý startup đừng nên dùng những từ đao to búa lớn như blockchain. "Tôi làm bất động sản bao nhiêu năm, Cengroup đã đầu tư cả triệu USD để phát triển công nghệ blockchain nhằm kiểm soát giao dịch bất động sản thôi mà còn rất vất vả. Tôi chưa nhìn thấy kết quả thực sự đáng tin cậy để thuyết phục tôi đầu tư dự án này. Tôi không đầu tư", Shark Hưng nói.
Shark Linh cùng Shark Việt tranh nhau rót 5 tỷ bởi "thái độ"
Sau khi góp ý với Sương về kế hoạch kinh doanh như chưa cần mở showroom mà cần test khẩu vị khách hàng - yếu tố mà Shark Linh cảm nhận startup đang thiếu, Shark Linh đề nghị mức đầu tư 5 tỷ đồng đổi lấy 40%, nhưng xuống tiền theo giai đoạn để thử nghiệm ban đầu, đến khi nắm được khẩu vị khách hàng sẽ "bung mạnh" sau.
Lúc này, Shark Việt cũng tham gia cuộc đua giành startup.
"Người ta bảo là thần thái là quan trọng, nhưng thực ra là thái độ. Thái độ của em là nghiêm túc trong việc này, cho nên không có lý do gì anh lại không offer. Anh không như Shark Linh. Mùa trước anh mang tiếng lấy cổ phần chi phối, giờ anh đổi ý, sẽ đầu tư đúng đề nghị của em, nhưng chia ra từng giai đoạn".
"Em chọn đi. Hoặc là chị Linh tuổi trẻ tài cao, trí nhớ rất tốt, hoặc anh – một lão già nói năng lắp bắp, nói ở nhà chả ai nghe mà lên ghế nóng thì chém gió phần phật", Shark Việt hài hước.
"Em nhớ là chị có thể đồng hành với em. Kế hoạch hồi nãy mình nói sơ nhưng trong kế hoạch sẽ có rất nhiều chi tiết khác chứ không chỉ có tiền vốn. Thời gian, mối quan hệ và tất cả điều khác…", Shark Linh bổ sung.
"Nhưng em nhớ, mối quan hệ của chị Linh, anh cũng có, có khi nhiều hơn vì anh nhiều tuổi hơn. Đi lang thang nhiều nên gặp nhiều người hơn", Shark Việt lại bồi thêm.
Trước sự cạnh tranh của 2 Shark, Sương xin thời gian hội ý cùng chồng. Sau thời gian hội ý, Sương lựa chọn về với team Shark Việt và mong có cơ hội được học hỏi nhiều hơn từ Shark Linh.
"Em chọn anh Việt vì offer của anh Việt tốt hơn? Hay em rất thích chị Linh, chị Linh rất tốt mà em rất tiếc? Em có muốn đàm phán lại với chị Linh không?", Shark Hưng hỏi thêm.
"Thực ra thì em coi đoạn clip của Shark Việt, Shark nói bất kỳ một sản phẩm, dịch vụ nào ra mà con người đang cần, xã hội đang thiếu thì Shark Việt sẽ đầu tư, và em cảm nhận được điều đó có nhiều ý nghĩa. Thực ra khi kinh doanh thì lợi nhuận phải có, nhưng phải tạo ra được giá trị gì cho xã hội. Em cảm thấy mình đồng cảm sâu sắc với việc đó, cho nên em nghĩ em sẽ chọn Shark Việt", Sương trả lời.
"Mặc dù đề xuất của anh hấp dẫn hơn, nhưng em không đề cập về vấn đề tài chính khi lựa chọn. Riêng điều ấy của em đã là thắng lợi. Nếu hôm nay em chọn anh vì anh đề xuất nhiều tiền hơn, có khi anh lại từ chối đầu tư. Tiền không phải là tất cả, trong kinh doanh đạo đức là quan trọng", Shark Việt khảng khái.
Tổng quan thương vụ gọi vốn của Dalat Foodie:
- Mô tả: Được thành lập năm 2015, Dalat Foodie là công ty kinh doanh thực phẩm hữu cơ từ nông trại tới bàn ăn (Farm to Table). Bên cạnh cửa hàng tại Gò Vấp, công ty cũng bán thực phẩm trên các nền tảng Grabfood, Vietnammm
- Founder: Đỗ Phan Hoàng Sương - một bà mẹ bỉm sữa 2 con, bấm nút thi Shark Tank Việt Nam khi mới sinh chỉ 3 tháng
- Lĩnh vực: Nông nghiệp - Thực phẩm
- Tình hình kinh doanh: Tính đến 31/3/2019, doanh thu 10,5 tỷ đồng, phục vụ hơn 15.000 khách hàng với lợi nhuận 0,46 tỷ đồng
- Gọi đầu tư: 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần
Kết quả: Nhận đầu tư 5 tỷ đồng cho 20% cổ phần từ Shark Việt
Theo cafef
-----------------------------------------
Hãy cùng chờ đón xem Shark Tank Mùa 3 vào lúc 20 giờ 30 tối thứ 4 hàng tuần trên kênh VTV3.
Cập nhật những thông tin mới nhất cũng như xem lại các thương vụ đầu tư trong Shark Tank Việt Nam tại:
#sharktankvietnam #thuongvubacty #mua3
Fanpage: Shark Tank Việt Nam
Youtube: Shark Tank Việt Nam