Trong bối cảnh nền tảng công nghệ và phương thức tương tác trực tuyến phát triển, startup ngày nay có thêm nhiều lựa chọn trong quyết định huy động vốn. Bên cạnh các hình thức gọi vốn truyền thống, gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) thì trong hai năm gần đây hình thức gọi vốn bằng tiền ảo cũng bắt đầu xuất hiện.
Song, chia sẻ tại Shark Tank Forum 2018, diễn ra vào ngày 17/11, shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch tập đoàn Sunhouse cho rằng: "Dù công nghệ mở ra nhiều cách thức khác nhau để quá trình đầu tư diễn ra thuận tiện hơn trước, nhưng về bản chất, yếu tố để có thể gọi vốn thành công vẫn là niềm tin giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư".
Vậy, đâu là những điểm startup nên lưu ý để có thể gọi vốn thành công, trong bối cảnh nhiều lựa chọn nhưng ít niềm tin như hiện tại? Dưới đây là 4 lời khuyên từ các nhà đầu tư Việt Nam về vấn đề này:
1. Startup muốn nhận được gì khi gọi vốn?
Nếu hình thức huy động vốn cộng đồng có thể mang đến cơ hội quảng bá thương hiệu, thu hút khách hàng tiềm năng và thử nghiệm sản phẩm từ giai đoạn đầu ra mắt thì các quỹ đầu tư mang đến cho startup những hợp tác chiến lược lâu dài. Vì vậy, khi suy nghĩ về kế hoạch gọi vốn thì ngoài yếu tố tài chính, startup cần phân tích kỹ những lợi ích chiến lược mà quá trình gọi vốn có thể mang đến cho mình. Phương thức gọi vốn nên dựa trên mô hình kinh doanh, quy mô và mục tiêu gọi vốn của mỗi startup.
Từ quan điểm "Cyberagent không cạnh tranh bằng tiền", shark Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc quỹ đầu tư Cyberagent Việt Nam và Thái Lan, cho rằng "startup cần nhìn thấy nhà đầu tư không chỉ mang đến tiền mà còn là hợp tác chiến lược". Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa gọi vốn từ các quỹ đầu tư và gọi vốn cộng đồng hay ICO. Cụ thể, nhà đầu tư có thể trở thành một nhà tư vấn chiến lược song hành, hỗ trợ các nhà sáng lập startup nhìn thấy bức tranh lớn hơn trên con đường kinh doanh.
Ngoài ra, quá trình đàm phán với nhà đầu tư cũng mang đến cho startup nhiều góc nhìn hữu ích để hoàn thiện chiến lược kinh doanh. Shark Nguyễn Xuân Phú khuyên startup hãy "tiếp nhận ý kiến từ nhà đầu tư cũng như lắng nghe dịch vụ của khách hàng, tổng hợp các quan điểm, nhận định trái chiều thành chất liệu để hoàn thiện dự án kinh doanh tốt hơn".
2. Nhà đầu tư của bạn là ai?
Có câu "hiểu người hiểu ta, trăm trận trăm thắng". Bất kể startup lựa chọn tiếp cận một nhà đầu tư lớn hay kêu gọi cộng đồng góp vốn thì theo Shark Thái Vân Linh - Nhà sáng lập, CEO Rita Phill, startup cũng cần nghiên cứu trước về đối tượng mình chuẩn bị tiếp cận.
Cụ thể, startup cần tìm hiểu rõ nhà đầu tư tiềm năng thường đầu tư vào lĩnh vực nào, khoản tiền thường đầu tư là bao nhiêu, và nhất là trước đây họ đã đầu tư vào những công ty nào. "Nếu nhà đầu tư đang rót vốn vào một công ty có lĩnh vực tương tự như công ty của bạn thì khả năng rất cao là họ sẽ không đầu tư vào startup của bạn, dù có thể họ rất thích dự án ấy. Vì họ đã có công ty cạnh tranh với bạn rồi", Shark Thái Vân Linh cho biết.
3. Làm sao để tạo dựng niềm tin?
Trung bình, với mỗi 100 dự án tiếp xúc, nhà đầu tư sẽ quyết định lựa chọn rót vốn vào 3 công ty. "Đây cũng là tỷ lệ chọn lọc phổ biến của thị trường thế giới", shark Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.
Vậy, mỗi startup làm sao có thể "đánh bại" ít nhất 30 doanh nghiệp khác để thuyết phục nhà đầu tư lựa chọn công ty của mình? Bên cạnh ý tưởng, chiến lược kinh doanh thì con người là yếu tố được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất. Đặc biệt với những trường hợp startup gọi vốn ở giai đoạn đầu, chưa có báo cáo tài chính hay doanh số bán hàng rõ nét để chứng minh năng lực với nhà đầu tư.
"Mình có thể thay đổi được mô hình kinh doanh, về sản phẩm, thậm chí văn hóa, nhưng mình không thể thay đổi được con người. Nhà sáng lập chính là linh hồn của công ty. Vì vậy, khi có một nhà sáng lập nào cho mình cảm giác muốn hỗ trợ thì mình sẽ dành thời gian để tìm hiểu nhiều hơn về startup đó" - Shark Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ cách làm của mình.
Ngoài ra, danh mục các nhà đầu đã hoặc đang đầu tư vào startup của bạn cũng là yếu tố tác động đến quyết định của nhà đầu tư tiếp theo. Vì vậy, theo shark Dũng, startup nên có sự chọn lọc trong quyết định huy động vốn. Danh mục nhà đầu tư uy tín sẽ giúp startup được quan tâm nhiều hơn.
Đồng quan điểm quan tâm đến con người, Shark Thái Vân Linh cho biết bà sẽ không đầu tư vào vị sáng lập nào không có khả năng sale và marketing cho chính công ty của mình. Shark Linh nhận định: "Khi nhà sáng lập trao đổi với Linh, Linh phải cảm nhận được người này hiểu rất sâu về lĩnh vực kinh doanh, về sản phẩm, và khách hàng mục tiêu của họ thì mới thuyết phục được Linh". Kỹ năng sale ở đây là khả năng "bán được tầm nhìn, chiến lược kinh doanh của startup cho nhà đầu tư".
Theo shank Linh, trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, kỹ năng bán hàng, marketing là điều quan trọng nhất mà các nhà sáng lập cần trang bị. "Vì dù thế nào thì người chịu trách nhiệm chính để gọi vốn cho công ty vẫn là nhà sáng lập, giám đốc điều hành", Shark Linh nhận định.
4. Làm sao để rút ngắn quá trình thẩm định dự án (due diligence)?
Due diligence có thể hiểu là quá trình nhà đầu tư thẩm định các vấn đề pháp lý, tài chính và thương mại của startup trước khi chính thức ký quyết định đầu tư. Quá trình này nhằm bảo vệ nhà đầu tư trước các thông tin ảo hoặc các rủi ro có thể có trong những thông tin đưa ra từ quá trình tiếp cận ban đầu của startup.
Vì vậy, shark Linh cho biết, quá trình due diligence có thể diễn ra từ 6 tháng đến 2 năm, tùy vào mức độ minh bạch thông tin của startup với nhà đầu tư. Vì vậy, nếu những con số tài chính, kế hoạch chiến lược được đưa ra rõ ràng, cụ thể thì startup sẽ rút ngắn được quá trình due diligence.
Theo shark Dũng, có một điều quan trọng mà startup cần thấu suốt khi hợp tác với một nhà đầu tư. Đó chính là startup đang có cơ hội để tạo dựng thêm niềm tin với các nhà đầu tư. "Nếu startup có thể tận dụng tốt nguồn tiền đầu tư, hợp tác minh bạch, hiệu quả thì startup sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong vòng kêu gọi vốn tiếp theo. Vì mình đã có được một lịch sử gọi vốn đẹp", shark Dũng nói.
Theo báo Doanhnhansaigon
#sharktankvietnam #thuongvubacty