Dịch vụ quét mã QR để rửa ô tô tại hầm ở Hà Nội bị các Shark hoài nghi

Shark Hưng và Shark Bình cho rằng startup bán nước rửa xe cho các chủ xe tự lau rửa còn lời hơn làm dịch vụ rửa xe.

Dịch vụ rửa xe tại hầm được triển khai tại Hà Nội trước khi mở rộng mô hình ra các thành phố khác

Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam, Ngô Việt Bắc kêu gọi đầu tư 1 tỷ đồng đổi lấy 5% cổ phần cho Startup Ultima. Nhà sáng lập Ultima cho biết startup cung cấp dịch vụ rửa xe tại hầm. Để triển khai dịch vụ, startup đưa ra 2 luồng công việc chính.

Thứ nhất là chuyển đổi số. Thay vì phải mất vài tiếng đồng hồ đánh xe đi rửa khách hàng chỉ cần bỏ ra khoảng 30 giây quét mã QR và đặt dịch vụ rửa xe tại hầm. Thứ hai là chuyển đổi xanh. Startup của anh chọn sản phẩm là chai xịt nano chăm sóc xe Ultima. Sản phẩm này được 4 tổ chức IARC, NTP, OSHA, EPA phê duyệt để được dán nhãn xanh môi trường Eco friendly.

Chia sẻ sâu hơn về tính năng quét mã QR đặt dịch vụ, Việt Bắc cho biết khách hàng sẽ nhập biển số xe. Sau 30 phút, có người đến vệ sinh xe sạch sẽ. Mã QR giúp xem bản đồ của tầng hầm, các gian hàng tòa nhà, qua đó xác định được đường đi tương đối thay vì phải mất thời gian tìm kiếm xe trong tầng hầm.

Nhà sáng lập Ultima Ngô Việt Bắc

Dịch vụ rửa xe của Ultima có giá 33.000 đồng/lượt/tháng với khách hàng đăng ký theo gói, giá lẻ mỗi lượt là 70.000 đồng. Tiền dịch vụ được chia ra làm 4 phần gồm chi phí cho nhân công, vật tư, văn phòng và truyền thông quảng cáo. Phần nào tiết kiệm được sẽ là lợi nhuận.

Shark Bình bày tỏ quan ngại về việc khách hàng ngày nào cũng quét mã QR hoặc lạm dụng hệ thống. Việt Bắc cho biết, sẽ có tỷ lệ khoảng 10-20% khách hàng không sử dụng dịch vụ vì rơi vào các ngày cuối tuần hoặc những ngày khách quên. Về trường hợp khách lạm dụng hệ thống, startup kiểm soát theo biển số xe. Mỗi biển số xe chỉ được làm dịch vụ một lần trong ngày.

Việt Bắc cũng chia sẻ dọn rửa nội thất là điểm giới hạn của dịch vụ bởi khi đó cần có sự đồng ý của chủ xe để lấy và trao trả chìa khóa. Dịch vụ chính của anh là muốn khách hàng không phải bàn giao chìa khóa mà có thể yên tâm đi ngủ. Xe đỗ dưới hầm sẽ có nhân viên đến tận nơi xử lý. Ultima có liên kết với tòa nhà để nhân viên có thể ra vào hầm gửi xe. Đổi lại, startup sẵn sàng chia sẻ doanh thu dịch vụ.

Sản phẩm rửa xe của Ultima sử dụng polydimethylsiloxane - chất đang được sử dụng làm kem chống nắng. Hoạt chất này khi xịt lên bề mặt sẽ bao bọc lấy chất bẩn, làm yếu liên kết. Các hạt bẩn như bùn đất chỉ cần lượng đủ của dung dịch xịt lên có thể lau đi dễ dàng. Dịch vụ của Ultima có thể xử lý bùn đất bám trên thân vỏ. Tuy nhiên, Việt Bắc thừa nhận dịch vụ không thể làm sạch phần gầm xe.

Việt Bắc cũng chia sẻ, hiện tại startup của anh đang thử nghiệm quy trình chứ chưa được triển khai mã QR.

Shark Hưng cho rằng việc vào hầm rửa xe sẽ gặp 3 vấn đề như khó thuyết phục bảo vệ cho người lạ vào hầm, việc rửa xe sẽ tạo ra lượng chất thải, bụi cát làm bẩn tầng hầm và khó thuyết phục khách hàng giao xe.

Đồng tình với nhận định của Shark Hưng, Việt Bắc cho biết tiêu chí của anh muốn khách hàng không phải bàn giao tài sản bên trong. Về việc làm bẩn tầng hầm khi vệ sinh xe, anh khẳng định là không. Toàn bộ chất bẩn, chất thải trên xe sẽ được lưu lại trên khăn.

 
Để đảm bảo yếu tố an ninh, an toàn trong tầng hầm, tất cả nhân viên đi làm dịch vụ đều phải đeo máy quay đeo trên người. Toàn bộ quá trình làm việc từ lúc đặt chân đến tầng hầm cho đến khi bước ra khỏi tầng hầm sẽ được lưu lại trên “đám mây”. Ngoài ra, Ultima cũng tạo ra một bản đồ số cung cấp vị trí nhân viên để tòa nhà kiểm soát được. Ultima cũng gửi danh sách để cung cấp số lượng và thông tin nhân viên đến tầng hầm làm việc.

Trả lời các câu hỏi của Shark Erik về thị trường, Việt Bắc cho biết startup đang phân phối độc quyền sản phẩm Ultima tại Việt Nam. Còn dịch vụ rửa xe sẽ được triển khai ở Hà Nội. Thời gian vừa rồi startup của anh mới nghiên cứu về sản phẩm.

Khi được hỏi về kế hoạch mở rộng thị trường, Việt Bắc cho biết anh muốn đưa dịch vụ đến tầm đủ tốt để phục vụ cho khách hàng ở Hà Nội trước, sau đó mới đến các thành phố khác.

“Tôi muốn có sự hỗ trợ đồng hành của các Shark trong việc làm việc với các tòa nhà. Đây là bước đi quan trọng nhất đối với startup hiện tại”, Việt Bắc bày tỏ.

Shark Hưng và Shark Bình cho rằng startup bán nước rửa xe cho các chủ xe tự lau rửa còn lời hơn làm dịch vụ rửa xe.

Shark Hùng Anh nhận định startup đang ở mức ý tưởng, chưa chứng minh được về mô hình kinh doanh. Vì vậy ông quyết định không đầu tư.

 

Shark Hưng cho rằng startup bán nước rửa xe cho các chủ xe tự lau rửa còn lời hơn làm dịch vụ rửa xe

Về phía Shark Hưng, ông nêu ý kiến: “Tôi tìm được nước rửa xe này, tôi nói lái xe hay ai đó tìm mua rồi về tự rửa, thế là bạn mất luôn mối. Vì bạn độc quyền, có khi đây là cái mẹo. Những khách mà cứ tưởng là khôn hơn bạn hóa ra lại mắc bẫy của bạn là tìm mua cái nước này chứ không phải mua dịch vụ. Tuy vậy, khi đó mô hình kinh doanh sẽ khác”.

Shark Bình phân tích 3 điểm yếu trong mô hình kinh doanh của startup. Ông đánh giá Ultima đang đi vào thị trường “ngách của ngách của ngách”, mô hình kinh doanh vẫn còn tranh cãi và có khả năng bị lỗ nếu không kiểm soát được các chi phí ẩn như thuê nhân viên đi lại, trả phí cho tòa nhà, bảo vệ. Shark Bình quyết định không đầu tư cho startup.

Shark Erik chia sẻ thị trường của startup tiềm năng khi tầng lớp trung lưu ở thành thị tăng nhanh. Mô hình kinh doanh này cũng được chứng minh ở nước ngoài nên ông cho rằng rất đáng đầu tư. Tuy vậy, do đầu tư vào một startup tương tự, ông quyết định từ chối ra deal cho thương vụ này.

Nguồn: Nhipsongkinhdoanh (Link)

Email xác nhận đã được gửi. Nếu không thấy, xin vui lòng kiểm tra thư mục spam của bạn, cảm ơn.

Upload thành công!